Tên gọi Người_Hoa_(Việt_Nam)

Hội quán Triều Châu, Hội An.

Những người có nguồn gốc từ Trung Quốc (gọi chung là người Trung Quốc) đã qua lại làm ăn, sinh sống với người Việt đã từ lâu đời, tùy theo từng thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh tiếp xúc hoặc nguyên nhân di cư mà người Trung Quốc đã tự xưng về tên dân tộc của mình khác nhau. Người Trung Quốc thường tự gọi mình là dân của các triều đại mà họ cho rằng văn minh, tự hào hoặc cho rằng nó phổ biến và được người bản xứ biết rõ, hoặc đã biết từ lâu như "người Đường" (Thoòng dành), "người Thanh", "người Bắc" (quốc). Người Hoa còn tự gọi họ theo quê quán: người Quảng (Quảng Đông), người Tiều (Tiều Châu/Triều Châu), người Hẹ (người Khách Gia), người Hải Nam (Hải Nam), người Phúc Kiến (Phúc Kiến)... Người Việt còn có lệ gọi người Hoa là "người Ngô". Lệ này bắt nguồn từ lịch sử thời Xuân Thu có "nước Ngô" và "nước Việt". Điển hình là bản Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi vào thế kỷ XV sau khi Bình Định Vương Lê Lợi đuổi được giặc nhà Minh.

Từ phổ thông người Việt hay dùng để gọi người Hoa là "người Tàu"; "chệt"; từ "cắc chú", đọc trại từ chữ "khách trú" vì người Hoa không được nhìn nhận là cư dân mà chỉ là dân ở trú mà thôi. Bản báo sau đây đưa ra nguồn gốc khác cho "các chú" nhưng không có cơ sở:

Theo Gia Định báo, đăng trong số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16 tháng 2 năm 1870: phần tạp vụ (một bài thuộc vào loại phiếm luận ngày nay)

Người bên Tàu thường gọi là người Trung-Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu; chỗ Kinh thành Hoàng-đế ở lại vô ở giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc. Người bên Tàu thường kêu mình là Đường-nhơn hay Thanh-nhơn, nghĩa là người nhà Đường nhà Thanh. An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v...

Người Bắc thì kêu là Ngô, nghĩa là nước Ngô, có kẻ lại cắt nghĩa rằng vì bởi nó hay xưng mình là Ngô nghĩa là tôi. Từ này không còn còn phổ biến nữa.

Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy.

Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân vân. Người An-nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc.. Nay không còn phổ biến nữa. [9]

Từ Ba Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm an và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Tiên; từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam.[cần dẫn nguồn] Còn có cách giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả) anh Ba (con thứ)... Vì lý do đó mà người Tàu thường lễ phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.[cần dẫn nguồn]

Người Hoa Việt Nam thường tự gọi mình là Đường nhân 唐人 (Thoòng dành theo âm Quảng Đông, Từng nán theo âm Tiều, Tángrén theo tiếng phổ thông).[10]

Một danh từ để chỉ người Trung Quốc được chấp nhận và sử dụng phổ biến trên khắp thế giới là "người Hoa" (華人).

Nếu xếp theo phân loại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì người Hoa là dân tộc Hán.

Theo Thầy Huỳnh Chí Liên, một người từ Hong Kong được Bộ trưởng Bộ Giáo dục trước năm 1975 mời qua giảng dậy tại Miền Nam Việt Nam có giải thích rằng: chữ Ba Tàu là do ngày xưa người Hoa họ đô hộ và hằng năm qua Việt Nam để bắt triều cống. Khi qua thì đi vào sông Hồng với ba chiếc tàu lớn, chiếc lớn nhất đi giữa mang chiếu chỉ của vua thì đi giữa, hai bên là hai tàu nhỏ hơn quan văn và quan võ và đi sau là hàng tá tàu nhỏ để qua chở đồ nạp thuế, thu cống về Trung Hoa. Dân hai bên sông khi nhìn thấy Ba Tàu này là biết sắp bị thu thuế, liền dắt nhau lên núi trốn hết, đợi khi Ba Tàu này về rồi họ mới trở lại làm ăn. Vì vậy chữ Ba Tàu mới có xuất hiện từ đó.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Hoa_(Việt_Nam) http://www.asiapacificms.com/papers/pdf/gt_opium_t... http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_c... http://books.google.com/books?id=3NHoI2HoFiQC&prin... http://books.google.com/books?id=foZAdRgB-nwC&lpg=... http://books.google.com/books?id=uEYKCGj6J0wC&prin... http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/nguo... http://www.cia.gov/cia/publications/factbook/geos/... http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=9... http://web.archive.org/web/20171029013833/http://t... http://nghiencuuquocte.org/2016/06/19/lich-su-nguo...